Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn khái niệm “Đơn vị trực thuộc” là gì
1. Khái niệm
Đơn vị trực thuộc là các đơn vị hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp, bao gồm các đơn vị sự nghiệp (các trường đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm), các đơn vị trực thuộc hoạt động kinh doanh, các đơn vị trực thuộc không hoạt động kinh doanh và các đơn vị khác được thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp gồm Chi nhánh, Văn phòng đại diện, Địa điểm kinh doanh.
Không chỉ hiểu về khái niệm đơn vị trực thuộc là gì? chúng ta còn cần phải biết được thủ tục để thành lập đơn vị trực thuộc. Vậy thủ tục này được quy định như thế nào đối với những loại hình này ?
Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Nội dung Thông báo gồm:
– Mã số doanh nghiệp;
– Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
– Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh dự sẽ định thành lập;
– Địa chỉ trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
– Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
– Thông tin đăng ký thuế;
– Họ, tên; nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
– Họ, tên, chữ ký của Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
2. So sánh sự khác biệt giữa các loại hình Chi nhánh, Văn phòng đại diện, Địa điểm kinh doanh
-
Chi nhánh
– Chi nhánh là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoăc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
– Về ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh để tiến hành kinh doanh các ngành, nghề khác với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải làm thủ tục bổ sung ngành, nghề.
– Về địa điểm được phép đặt chi nhánh, doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính và có thể thành lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài. Như vậy, doanh nghiệp có thể thành lập chi nhánh trong địa bàn tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở chính hoặc tại tỉnh/thành phố khác và có thể là ở nước ngoài.
– Về phạm vi hoạt động: Chi nhánh được thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng kinh doanh và chức năng đại diện theo quyền. Chi nhánh được đăng ký mã số thuế và con dấu riêng.
– Về vấn đề kê khai thuế, hạch toán kế toán: Chi nhánh có thể hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.
+ Đối với chi nhánh hạch toán độc lập cần thực hiện: kê khai thuế môn bài, thuế gia trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế quản lý chi nhánh. Khai thuế thu nhập các nhân tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của tổ chức trả thu nhập.
+ Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
- Chi nhánh cùng tỉnh với trụ sở chính: kê khai thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng tại cơ quan thuế trụ sở chính;
- Chi nhánh khác tỉnh với trụ sở chính: kê khai thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng tại cơ quan thuế nơi đặt chi nhánh.
Lưu ý: Chi nhánh hạch toán phụ thuộc dù cùng tỉnh hay khác tỉnh đều không phải kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp mà kê khai tập trung tại trụ sở chính và khai thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của tổ chức trả thu nhập.
Ngoài ra cần lưu ý, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
-
Văn phòng đại diện
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
Về đặc điểm của văn phòng đại diện bao gồm:
- Văn phòng đại diện vẫn có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động riêng và con dấu riêng để phục vụ các hoạt động trong nội bộ của văn phòng đại diện;
- Không được trực tiếp kinh doanh, không được ký kết các hợp đồng kinh tế với dấu của văn phòng đại diện, những vẫn ký hợp đồng theo sự ủy quyền của doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện đó và đóng dấu của doanh nghiệp;
- Văn phòng đại diện không phát sinh nghĩa vụ thuế độc lập.
– Văn phòng đại diện hoạt động với mục đích đại diện, tiếp thị, tìm hiểu thị trường, nếu không tham gia sản xuất, kinh doanh, không có thu nhập từ bán hàng hóa, dịch vụ thì không phải phát hành hóa đơn, không sử dụng hóa đơn và không đóng lệ phí môn bài;
– Văn phòng đại diện phải nộp hồ sơ khai thuế hàng tháng (quý) đối với những sắc thuế văn phòng đại diện phát sinh phải nộp/nộp thay;
– Văn phòng đại diện có trách nhiệm khấu trừ và kê khai thuế TNCN đối với tiền công, tiền lương của nhân viên tại văn phòng đại diện (nếu có).
Lưu ý: khấu trừ và kê khai thuế của văn phòng đại diện sẽ được thực hiện tập trung tại trụ sở chính.
Ngoài ra cần lưu ý tên Văn phòng đại diện phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện.
-
Địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Đây là nơi thực hiện hoạt động kinh doanh nên được đăng ký một số ngành nghề kinh doanh theo đăng ký của doanh nghiệp. Do đó, địa điểm kinh doanh được hiểu là nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là nơi được phép kinh doanh trong phạm vi một nhóm ngành cụ thể đã đăng ký từ ngành nghề của doanh nghiệp.
Về đặc điểm của địa điểm kinh doanh bao gồm:
- Địa điểm kinh doanh không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng;
- Ngành nghề kinh doanh của địa điểm kinh doanh công ty phải được đăng ký và hoạt động theo ngành nghề của công ty mẹ;
- Mọi hoạt động kinh doanh tại địa điểm kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào công ty, hạch toán phụ thuộc;
- Tại địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng và không được xuất hóa đơn.
Về mục đích khi thành lập địa điểm kinh doanh:
- Doanh nghiệp muốn mở rộng địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính nhưng trong cùng tỉnh/thành phố hoặc khác tỉnh/thành phố;
- Muốn thành lập một đơn vị kinh doanh với thủ tục đơn giản, hồ sơ không phức tạp và thời gian nhanh chóng;
- Những doanh nghiệp muốn mở rộng phạm vi kinh doanh của mình nhưng không nuốn phát sinh các thủ tục kê khai thuế phức tạp như chi nhánh nhưng lại có thể phát sinh được hoạt động kinh doanh, khác với văn phòng đại diện công ty chỉ là nơi để giao dịch, chào hàng thì nên lựa chọn hình thức thành lập địa điểm kinh doanh.