NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI KHI ỐM ĐAU

NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI KHI ỐM ĐAU

Được nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày cho một lần khám, bảo hiểm xã hội chi trả tối đa bao nhiêu tiền…, có phải bạn đang có rất nhiều điều cần giải đáp về hưởng BHXH khi ốm đau đúng không?

Vậy thì hãy để công ty TNHH Tư vấn Thuế – Kế toán Đại Thịnh Phát giúp bạn trả lời những câu hỏi rất được nhiều người quan tâm thắc mắc.

Câu 1. Trường hợp ốm đau phải nghỉ việc do say rượu không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đúng hay sai?

Căn cứ điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:

– Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

– Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Câu 2. Pháp luật không quy định số ngày tối đa nghỉ ốm đau hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (chỉ cần ốm là được hưởng)?

Căn cứ điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

– Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

– Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

– Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

– Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Câu 3. Mức hưởng chế độ ốm đau là bao nhiêu?

Căn cứ điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 điều 26, điều 27 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Đối với người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng được quy định như sau:

– Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên.

– Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm.

– Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Câu 4. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau tối đa là 10 ngày trong một năm?

Căn cứ điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:

– Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày.

– Tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật.

– Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Câu 5. Một lần khám bệnh, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa 30 ngày?

Căn cứ khoản 2 điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT, một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.

Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM

 

Nếu như Quý Anh/Chị còn nhiều điều thắc mắc cần được giải đáp rõ hơn thì hãy liên hệ ngay với Công ty Dịch vụ Kế toán – Thuế Đại Thịnh Phát chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí và có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất cho Anh/Chị.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THUẾ KẾ TOÁN ĐẠI THỊNH PHÁT

Điện thoại: 0932040636- 0909557636

Email: duongngoc@ketoandaithinhphat.com

Địa chỉ: 15/6 ĐHT 08, Phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, TP.HCM

Thời gian: Thứ 2 – Thứ 7: 9.00 đến 16.00